Thiết kế web
  • TRANH THƯ PHÁP NÉT ĐẸP CỦA VĂN HÓA VIỆT

    Nghệ thuật thư pháp được biết đến như một mạch ngầm truyền thống chảy xuyên suốt qua nhiều thế hệ. Hình ảnh những cụ đồ ngồi vẽ chữ, trên các con phố xưa và nay, là một nét rất riêng trong dịp tết đến xuân về. Có thể nói, tranh thư pháp chính là nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt.

    "Mỗi năm hoa đào nở
    Lại thấy ông đồ già"

    Cứ mỗi dịp Tết đến, hình ảnh các cụ đồ trong bộ đồ khăn đống, cặm cụi vẽ từng nét chữ thư pháp mềm mại như rồng bay phượng múa, là một nét đặc trưng rất riêng.

    Tại Sài Gòn, bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh cụ đồ vẽ chữ trên con phố dọc theo quận 1 vào dịp Tết. Bạn có thể mua tranh thư pháp có sẵn, hoặc nhờ các cụ vẽ chữ theo ý thích. Chỉ cần đợi mươi phút là các cụ đồ đã vẽ xong một bức chữ, với giá cũng khá rẻ. Tranh thư pháp xin về lúc nào cũng được gia chủ treo ở nơi trang trọng, để răn dạy con cháu và được truyền từ đời này sang đời khác.

    Tranh thư pháp nét đẹp của văn hóa Việt

    Nghệ thuật thư pháp và thú chơi chữ là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của ông cha ta. Xưa kia, người Việt thường sử dụng chữ Hán, sau đó là chữ Hán Nôm làm chữ viết chính thống. Từ những năm đầu thế kỷ XX, khi chữ Quốc ngữ trở nên phổ biến hơn, chữ Hán Nôm càng ít được sử dụng, môn thư pháp cùng với thú chơi chữ ở Việt Nam tưởng như đã bị mai một.

    Trải qua bao thăng trầm, nghệ thuật thư pháp từ từ khởi sắc, và được nhiều thế hệ yêu thích. Không chỉ những người lớn tuổi, mà cả những thanh niên trẻ cũng rất thích dòng tranh thư pháp này. Tranh thư pháp thường được vẽ trên chất liệu giấy, ngoài ra còn có chất liệu vải, gỗ, đá, đồng, khảm tre, khảm trai và gốm sứ.

    Hiện nay, có rất nhiều tác phẩm tranh thư pháp với đủ kích cỡ lớn nhỏ khác nhau được trưng bày trong những gallery, quán cà phê, đại sảnh cơ quan, hay những ngôi nhà riêng. Có thể nói, nét đẹp và thanh tao của những bức tranh thư pháp đã làm nên vẻ đẹp cho không gian treo.

    Tranh thư pháp nét đẹp của văn hóa Việt

    Tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp

    Nghệ thuật thư pháp là nghệ thuật tạo hình con chữ bằng cách viết. Những nét viết uyển chuyển, như rồng bay phượng múa, với những nét đậm nhạt linh hoạt, bay bổng.

    Người xưa thường nói “nét chữ, nết người”. Chính vì vậy, từ xa xưa, nét chữ rất được xem trọng. Người khổ luyện thực hành thư pháp có thể dùng cái đẹp của chữ và mực để rèn dũa tâm hồn. Còn người chơi thư pháp cũng có thể mượn nét bút tài hoa của người khác để trau chuốt, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ngày ngày ra vào thấy chữ là ngắm nghía trầm ngâm, ngẫm nghĩ răn lòng... đó là một trong nhiều cách học làm người. Việc luyện chữ được xem là một trong những cách thức để rèn luyện nhân cách con người.

    Để có thể viết được nét chữ đẹp đã khó, để vẽ được chữ thư pháp đẹp lại càng khó hơn. Chính vì vậy, hình ảnh những cụ đồ trong bộ quần áo khăn đống, khoan thai ngồi viết chữ thư pháp, là một hình ảnh đẹp về tài nghệ của đôi tay và nhân cách đẹp. Nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ thấy đa phần các cụ đồ viết chữ thư pháp đẹp thường có thần thái khoan thai, nhẹ nhàng.

    Nghệ thuật thư pháp Việt có sức sáng tạo lớn, luôn cố gắng tạo ra những hình ảnh, hình tượng để có thêm ý nghĩa cho chữ đó. Đặc thù chữ Quốc ngữ là đơn nghĩa nên dễ cắt nét, tạo hình để tạo thêm ấn tượng cho chữ. Ví dụ chữ "Nhẫn" thường hay viết chữ N tạo thành hai vách núi đè lên nhau, sau đó là chữ H có hướng vượt lên, ý muốn nói đến sự kiên trì, nhẫn nại với con đường trắc trở khi gặp núi cao mà vẫn vượt qua những khó khăn để đạt được thành tựu. Chữ "Thọ" có ý nghĩa cầu chúc cho ông, bà, cha, mẹ mình được sống lâu như cây tùng, cây bách thì người ta thường viết chữ T tạo hình dáng của cây tùng. Tương tự, chữ "Lộc" viết cây tre có một nét đưa ngang thành chữ L... Cái khó nhưng cũng tạo ra sự độc đáo trong thư pháp Việt là đường cong trong từng nét chữ.

    Tranh thư pháp nét đẹp của văn hóa Việt

    Viết chữ thư pháp Việt bắt buộc phải có kỹ thuật của thư pháp truyền thống kết hợp với nghệ thuật viết chữ đẹp của phương Tây để mang lại giá trị mỹ cảm cho công chúng. Trong thư pháp Việt ngữ hiện nay có 5 kiểu chữ chính là chân phương (còn gọi là chân tự), cách điệu (biến tự), cá biệt (cuồng thảo), mô phỏng và mộc bản. Ngoài ra, thư pháp có thể trở thành một bức họa khi trong tranh thư pháp còn có hình ảnh minh họa, hoặc khi tranh là hình ảnh của chữ. Muốn có một chữ đẹp được nhiều người ưa thích, người viết phải thể hiện được cái "thần" trong từng nét chữ. Người viết phải tĩnh tại, bình hòa để chuyển tải nội dung của các tác giả (những bài thơ, câu nói…) và tâm hồn của mình.

    Tranh thư pháp nét đẹp của văn hóa Việt

    Tranh thư pháp - nét đẹp của văn hóa Việt

    Tranh thư pháp là một thú chơi tao nhã đáng trân trọng, thể hiện tâm, khí, ý, lực của người dụng bút vừa là cách tạo nên "cái hồn" của câu chữ, tôn vinh giá trị của tiếng Việt. Từ những chữ tiếng Hán, những nét thư pháp với những từ thuần Việt như “Phúc” “Tết” “An Khang”,... chính là bức tranh đầy ý nghĩa mà nhiều gia đình thường mua về trưng bày dịp Tết.

    Với sự lưu giữ một loại hình truyền thống dân tộc, cùng sự sáng tạo không ngừng, tranh thư pháp vẫn có những ảnh hưởng to lớn đến đời sống văn hóa của người Việt. Những bức tranh thư pháp trên nền giấy trắng, còn thơm mùi mực, được nhiều gia đình mua về trưng bày trịnh trọng trong nhà. Hoặc, cũng có những nhà viết câu đối treo hai bên cửa, tạo ra nét rất riêng biệt trong dịp Tết đến.

    Ngoài những bức tranh vẽ sơn dầu đầy màu sắc, thì tranh thư pháp ngày nay vẫn giữ được những nét truyền thống đáng quý. Những nét chữ đẹp, có hồn, và có ý nghĩa, chính là hiện diện cho một môn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

    (Bài viết có sưu tầm)

    Tranh thư pháp nét đẹp của văn hóa Việt

    Tranh thư pháp nét đẹp của văn hóa Việt
     

     

    Lưu ý: Việc sao chép, copy toàn bộ hoặc một phần bài viết từ website này, dưới mọi hình thức, mà không có sự đồng ý của chúng tôi là vi phạm bản quyền.

     

    Hãy đến với tranh thêu tay Đà Lạt để cảm nhận sự khác biệt

    ♦ Nguyên liệu thêu: chỉ tơ tằm, chỉ DMC Pháp, chỉ bóng

    ♦ Nghệ nhân thêu: Đà Lạt - Việt Nam

    ♦ Độ bền tranh: cao

    ♦ Tranh thêu theo mọi yêu cầu của khách hàng

    ♦ Giao và treo tranh tận nơi cho quý khách

    TRANH THÊU ĐÀ LẠT

    Website: http://tranhtheudalat.net/

    Điện thoại liên hệ: 0931 427 817
    48a đường Dương Thị Mười, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh (Chung cư Hưng Ngân)

     

    Ngày đăng: 21-12-2017 3,427 lượt xem
DMCA.com Protection Status